Du lịch Tây_Sơn

Bảo tàng Quang Trung nhìn từ cổng chính vào.


Tượng đài Hoàng đế Quang Trung trước Bảo tàng Quang Trung

Các địa điểm du lịch - tham quan nằm trong huyện Tây Sơn:

  • Bảo tàng Quang Trung (Thị trấn Phú Phong): Là nơi trưng bày các di tích về Hoàng đế Quang Trung và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của ba anh em nhà Tây Sơn;
  • Khu du lịch Hầm Hô, thôn Phú Mỹ xã Tây Phú, cách thị trấn Phú Phong 4 km: Là nơi khởi nguồn một nhánh phụ lưu (sông Kút) của sông Kôn, đây vừa là khu danh thắng núi sông hùng vĩ lại có địa thế hiểm yếu, vừa từng là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn (nhà Tây Sơn) và của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp: Mai Xuân Thưởng;
  • Khu tâm linh Bảo Sơn Thiên Ấn, nằm cách thị trấn Phú Phong 8 km về hướng Tây theo quốc lộ 19. Là di tích được chính quyền địa phương phục dựng nhằm mục đích tâm linh và thu hút khách du lịch. Đây là địa điểm du lịch tâm linh khá nổi tiếng ở Bình Định.
  • Đập dâng Văn Phong (thôn Hòa Sơn), xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, được Nhà nước đầu tư nâng cấp hợp phần chứa nước, trở thành một trong những công trình thủy lợi lớn nhất nước và cũng là một trong những đập tràn piano lớn nhất thế giới. Đứng trên cao trình đập dâng cao 25 m, sông Kôn khoác một chiếc áo mới với màu xanh trong của nước, màu trời và bao quanh bởi núi. [https://www.youtube.com/watch?v=WbA-JtR_1nQ]
  • Lăng Mai Xuân Thưởng (Xã Bình Tường): Cách Thị trấn Phú phong 5 km theo quốc lộ 19 về hướng Tây lên Gia lai: Đây là lăng mộ của người anh hùng Cần Vương Mai Xuân Thưởng, người làng Phú Lạc, xã Bình Thành. Mộ đầu tiên của ông hiện còn ở làng Phú Lạc và sau đó mới chuyển vào lăng hiện tại.
  • Tháp Dương Long, nằm giáp ranh giữa hai xã Tây Bình và Bình Hòa, cách thị trấn Phú Phong 11 km, theo hướng đi sân bay Phù Cát: bao gồm 03 ngọn tháp được xây theo kiểu kiến trúc Chăm, đây là cụm đi tích Tháp Chăm cao nhất còn sót lại ở miền Trung Việt Nam. Qua thời gian dài tồn tại và bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh cũng như người dân xung quanh khu vực khai thác gạch để xây nhà nên cả ba tháp đều bị hư hỏng. Hiện cụm tháp đang được trùng tu cho mục đích bảo tồn và sử dụng như một địa điểm tham quan.
  • Từ đường Bùi Thị Xuân (Thị trấn Phú Phong): Nơi thờ cúng nữ tướng của nhà Tây Sơnđô đốc Bùi Thị Xuân và dòng họ Bùi của bà tại đây.
  • Thác Đổ: Nằm cách thị trấn Phú Phong khoảng 10 km về hướng Tây nam, thuộc xã Bình Tường: Thác rất đẹp và hùng vĩ. Hiện vẫn còn rất hoang sơ, chưa được khai thác du lịch đúng mức.
  • Hồ Thuận Ninh: Xã Bình Tân, cách thị trấn Phú Phong khoảng 10 km về phía Bắc. Là một hồ nước thủy lợi lớn của huyện Tây Sơn, rất phù hợp với du lịch sinh thái và câu cá giải trí.
  • Lễ hội Đống Đa: Được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Thị trấn Phú Phong. Đây là lễ hội lớn nhất của tỉnh Bình Định để tưởng nhớ chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789 của nhà Tây Sơn trước quân xâm lược Mãn Thanh. Lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 4 cho tới hết ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm, rất đông du khách các nơi đến tham dự và vui chơi.
  • Huyện đường Bình Khê (nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn). Năm 1909, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đang làm Thừa biện Bộ Lễ được phái sung vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định theo văn bản bổ nhiệm quan chức chấm thi Hương trường thi Bình Định khoa Kỷ Dậu, ngày 16 tháng 3 năm Duy Tân thứ 3 (5.5.1909). Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê ngày 1.7.1909. Thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện Bình Khê, cũng là thời điểm Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam. Nguyễn Tất Thành đến thăm cha rồi ở lại Đồng Phó (Bình Khê) và Quy Nhơn một thời gian. Di tích lịch sử Huyện đường Bình Khê được xếp hạng năm 2000. Đầu năm 2014, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê.[1]
Tháp Dương Long, ngày nay nằm ở xã Tây Bình - bờ Bắc sông Kôn, cách thị trấn Phú Phong khoảng 10km và gần quốc lộ 19B.